0

Dấu hiệu sớm của trầm cảm sau sinh | Safe and Sound

Theo thống kê của các bác sĩ, chuyên gia tâm lý, tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh hiện nay chiếm khoảng 15% trong 3 tháng đầu và 25% trong vòng 12 tháng sau sinh. Đây là bệnh rất phổ biến và nguy hiểm, người mẹ có thể bị trầm cảm nhẹ, vừa hoặc nặng, thoáng qua hoặc kéo dài, dẫn đến những hành động tiêu cực cho bản thân. 

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Bệnh trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm sau sinh được các bác sĩ, chuyên gia tâm lý định nghĩa là bệnh trầm cảm gặp ở phụ nữ, khởi phát trong vòng 30 ngày sau khi sinh con. Nó có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng năm nếu không được điều trị. 

Theo lý giải của các chuyên gia tâm lý, trầm cảm sau sinh là tình trạng người phụ nữ bị rối loạn cảm xúc, hay có những suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, buồn chán và lo lắng về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Bệnh trầm cảm có thể ở mức nhẹ, vừa hoặc nặng, tự khỏi hoặc thậm chí sẽ không thể tự hết nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời. 

Theo các chuyên gia tâm lý, sau khi sinh con, cơ thể người phụ nữ thường có những sự thay đổi đột ngột về nội tiết nên dễ dẫn đến cảm giác mệt mỏi, trầm cảm. Ngoài ra, thể tích máu, hệ miễn dịch, huyết áp và chuyển hóa lúc này cũng biến đổi nên dẫn đến những bất ổn về cảm xúc. Các dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh thường không được gia đình chú ý, chỉ đến khi xảy ra nhiều hậu quả đau lòng thì người ta mới nghĩ lại về các dấu hiệu gợi báo của căn bệnh này.

Bệnh trầm cảm sau sinh sẽ càng trở nên trầm trọng nếu thời điểm sau sinh, người mẹ gặp khó khăn, mệt mỏi trong việc chăm sóc em bé mà gia đình lại có mâu thuẫn không thể gỡ bỏ hoặc khó khăn về tài chính... Các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh rằng, nếu trong gia đình có người từng bị trầm cảm thì người phụ nữ sau khi sinh cũng có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều hơn.

2. Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ và cuộc sống?

Theo các chuyên gia tâm lý, hiện nay vẫn có nhiều người xem nhẹ chứng trầm cảm sau sinh con, chỉ đến khi bản thân thật sự trải qua thì mới hiểu căn bệnh này có sức ảnh hưởng ghê gớm đến sức khỏe và cuộc sống.

Đối với bản thân người mẹ, trầm cảm sau sinh con có thể khiến mẹ bị suy dinh dưỡng, sụt cân, mệt mỏi, suy nhược thần kinh, thay đổi cảm xúc, có những suy nghĩ hoang tưởng và dễ dẫn đến hành vi nguy hiểm, tự gây hại cho bản thân.

Ảnh 1: Người mẹ sẽ không đủ tâm trí để chăm sóc cho gia đình và đứa con sơ sinh được tốt khi bị trầm cảm

Khi đã bị trầm cảm sau sinh con thì người mẹ sẽ không có đủ tâm trí để chăm sóc cho gia đình và đứa con sơ sinh được tốt, gia đình vì thế sẽ không được vui vẻ. Các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, khi trầm cảm nặng thì người mẹ thường hay có suy nghĩ tự tử, một số người bị rối loạn tâm thần và luôn có cảm giác bị hại nên luôn tìm cách để trả thù hay đối phó với mọi người muốn đến gần mình. Thậm chí, có những bà mẹ còn nghĩ con mình bị ma quỷ nhập nên tìm cách trừ tà, hại đến tính mạng của bé. Thực tế đã chứng minh, có rất nhiều vụ việc đau lòng xảy ra khi phụ nữ bị trầm cảm sau sinh.

3. Dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh

Bệnh trầm cảm sau sinh thường không được phát hiện cho đến khi người bệnh có những hành động dại dột, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân. Do đó, các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, việc nhận biết các dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh con chính là cách để bảo vệ bản thân khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh trầm cảm.

 Ảnh 2: Dấu hiệu điển hình của trầm cảm sau sinh

Một số biểu hiện trầm cảm sau sinh bao gồm:

- Khí sắc trầm: Khí sắc ở đây là vẻ mặt của phụ nữ sau sinh. Theo các chuyên gia tâm lý, phần lớn thời gian sau sinh, họ mệt mỏi, có vẻ mặt buồn bã, đơn điệu, ít thể hiện cảm xúc, thái độ của mình trong cuộc sống hàng ngày.

- Mất mọi quan tâm, thích thú trong các hoạt động hàng ngày. Điều này được thể hiện qua việc không còn hứng thú với sở thích cá nhân chính bản thân mình nữa kể cả với món ăn yêu thích hay việc hay làm.

- Thường xuyên mệt mỏi. Cơ thể người phụ nữ luôn trong trạng thái không được khoẻ, uể oải, mệt mỏi.

- Giảm sự tập trung chú ý. Khó tập trung làm một việc, không học được một việc gì mới hoặc một kiến thức mới. Bên cạnh đó là giảm trí nhớ tạm thời, hay quên vặt.

- Giảm tính tự trọng, sự tự tin và khó khăn trong việc đưa ra quyết định. Theo các chuyên gia tâm lý, người phụ nữ tự ti về mình như nghỉ sinh nở không làm ra tiền là gánh nặng cho chồng, cho gia đình, tự ti về cả cân nặng của con hay của bản thân.

- Có những suy nghĩ về tự buộc tội bản thân về những việc không phải do họ. Theo các chuyên gia tâm lý, bác sĩ, những suy nghĩ này thường do phụ nữ phải nghỉ việc khi sinh con nên không có thu nhập, là gánh nặng của gia đình, hay thường có suy nghĩ về việc do mình không chăm con tốt nên cân nặng của con hay sự phát triển của con không bằng con người khác.

- Bi quan. Mọi sự vật, sự việc thông qua góc nhìn của người phụ nữ lúc này đều không tốt, có thể thất bại, tương lai ảm đạm và không còn bất cứ sự khởi sắc nào.

- Bắt đầu có ý tưởng và hành vi tự sát. Người phụ nữ lên kế hoạch cho việc sẽ tự sát như uống thuốc, thắt cổ hay nhảy cầu. Đơn giản hơn là bắt đầu nói về những vấn đề này trong những cuộc trò chuyện hàng ngày.

- Có ý tưởng và hành vi giết con của mình. Theo các chuyên gia tâm lý, người phụ nữ luôn nghĩ rằng việc sinh ra người con là nguyên nhân cho mọi việc, đổ lỗi cho việc sinh con. Hoặc hay nói về việc giá như không sinh con thì sẽ như nào, mọi việc sẽ tốt hơn nếu không có đứa bé này.

- Rối loạn giấc ngủ. Khó vào giấc ngủ, ngủ chập chờn không sâu giấc hoặc rất muốn ngủ nhưng thể ngủ được, mệt mỏi là những triệu chứng gặp phải vào lúc này.

- Giảm các giác ngon miệng kể cả những món mình thích ăn trước đây cũng không tạo cảm giác muốn ăn.

- Buồn bã và hay khóc. Thường hay kể với chồng hoặc người thân về việc luôn cảm thấy buồn, thay đổi cảm xúc trong thời gian này, lúc này người phụ nữ dễ khóc.

- Lo âu nghiêm trọng và có thể có các cơn hoảng sợ. Các chuyên gia tâm lý cho biết, việc lo lắng này có thể về em bé, về gia đình hoặc các vấn đề cuộc sống hàng ngày nhưng những sự việc này còn quá xa, không đáng phải lo lắng quá mức. Bên cạnh đó có thể xuất hiện cơn hoảng sợ với những sự việc không có thật hoặc lo nghĩ mà ra, sau những lúc đó, người phụ nữ sẽ rất mệt mỏi, toát mồ hôi và mất nhiều năng lượng.

: Dấu hiệu sớm của trầm cảm sau sinh | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound